Đã dùng máy lọc rồi thì có cần đun sôi nước nữa không?

Khả năng nhiễm khuẩn sau khi lọc vẫn có thể xảy ra do bộ phận lọc, nhất là màng lọc vẫn xảy ra vấn đề tích tụ cặn bẩn, chất ô nhiễm và không được vệ sinh hay bảo trì đúng cách.

Ở bài trước, các nhà khoa học đã đưa ra chứng cứ bác bỏ tin đồn rằng nước đun sôi để nguội có thể chứa nhiều vi khuẩn và virus hơn cả nước chưa đun, do đó dễ gây nguy cơ ung thư ở người. Bài này tiếp tục giải mã tin đồn thứ hai.

Tin đồn thứ hai: Nước bị “thay đổi cấu trúc” sau khi đun sôi

Tin đồn này nói nước đun sôi có thể bị thay đổi cấu trúc và mất đi lượng oxy hoà tan, cản trở vi sinh vật đường ruột phát triển.

Xin nhớ, cấu trúc của phân tử nước là hợp chất hoá học của 1 nguyên tử oxy liên kết với 2 nguyên tử hydro (hình). Liên kết giữa các phân tử nước là liên kết yếu nên chúng chỉ “dính” với nhau trong một phần nhỏ của giây và sau đó lại tách ra để liên kết với phân tử nước khác.

Ở 100 độ C (nhiệt độ sôi), cấu trúc của phân tử nước không bị thay đổi mà chỉ thay đổi ở sự liên kết giữa phân tử này với phân tử khác. Do đó tin đồn trên không đúng về mặt khoa học.

Đã dùng máy lọc rồi thì có cần đun sôi nước nữa không? - Ảnh 1.

Trong quá trình đun sôi, các phân tử nước (màu đỏ: oxygen, màu trắng: hydrogen) không thay đổi cấu trúc mà chỉ thay đổi về liên kết và bay hơi ra khỏi mặt chất lỏng.

Trên thực tế, đúng là khi đun sôi, khí oxy trong nước sẽ mất đi nhưng sau khi nguội, nồng độ oxy sẽ trở lại như ban đầu do sự khuếch tán của oxy là tự nhiên và phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ

Ý kiến cho rằng trong quá trình đun sôi, nước có thể mất đi một số khoáng chất hay các nguyên tố vi lượng, theo các nghiên cứu mới nhất, cũng sai nốt.

Độ sôi và bay hơi của các nguyên tố vi lượng và khoáng chất vô cơ tồn tại trong nước như ion natri, canxi, magnesium, sắt, đồng, kẽm cao hơn rất nhiều lần độ sôi của nước. Do đó, khi nước sôi, các nguyên tố vi lượng này không bay hơi theo mà vẫn ở lại trong nước trong ấm.

Các chất hữu cơ như vitamin B3, vitamin C có thể bị phân hủy khi nước đun sôi nhưng các vitamin này không tồn tại đủ nhiều trong nước uống tự nhiên [13]. Không nên nhầm lẫn giữa việc nấu ăn và việc đun nước uống.

Hơn thế nữa, nước không phải là nguồn cung cấp nguyên tố vi lượng chính cho cơ thể. Nguồn cung cấp vi lượng chính cho cơ thể là từ nguồn thức ăn đưa vào cơ thể hàng ngày.

Đơn giản nhất – hiệu quả nhất

Nước chiếm từ 50%-75% trọng lượng cơ thể và rất quan trọng cho tất cả các quy trình sinh lý, sinh hoá và cân bằng nội môi.

Ở quy mô rộng, đun sôi khi xử lý nước được cho có hiệu quả tương đương và nhanh hơn nhiều so với các phương pháp khác như xử lý bằng Clo, tia UV, hay dùng dây bạc/đồng. Tuy nhiên, do tốn nhiên liệu nên phương pháp này không được ưu tiên khi xử lý diện rộng [8].

Ở mức độ hộ gia đình, theo WHO đun sôi nước là biện pháp tiệt trùng hiệu quả và kinh tế nhất so với tất cả các biện pháp khác, vì nó có thể tiêu diệt hầu hết các loại vi sinh vật gây mầm bệnh.

Như vậy, chất lượng nước uống phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước. Ở các hộ gia đình sống tại thành phố, nguồn nước sinh hoạt và ăn uống trong gia đình hầu như đến từ nước máy do các công ty cấp nước cung cấp. Về mặt pháp lý, nhiệm vụ của công ty nước là phải đảm bảo được chất lượng nước cung cấp cho người sử dụng.

Theo quy định, các công ty nước phải thực hiện hoạt động nội kiểm để kiểm định chất lượng nước ít nhất 1 lần/ tuần. Hoạt động ngoại kiểm được đựơc thực hiện bởi các cơ sở đạt chuẩn ISO/IEC 17025: 2005 về các chỉ tiêu chất lượng nước ít nhất 1 lần/ năm.

Các chỉ tiêu này bao gồm tính chất lý hoá như độ màu, mùi, độ cứng, pH, hàm lượng các hàm lượng chất vô cơ, hữu cơ (nitrate, nitrit, sunphat) và các kim loại nặng như sắt, mangan, hàm lượng vi sinh vật như Coliform, E.Coli , etc… và đều phải đạt mức dưới nồng độ an toàn tối đa với cơ thể người theo tiêu chuẩn của WHO.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *